Nếu chăm chỉ lướt các trang mạng xã hội dạo gần đây thì không khó để bắt gặp cụm từ “Ủa Alo” được các bạn gen Z truyền tai nhau. Vậy Ủa Alo là gì? Nó bao hàm sắc thái ý nghĩa gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của Thankme nhé!

Ủa Alo là gì?

Trong cuộc sống giao tiếp thường nhật, “ủa” là từ thường hay được sử dụng để thể hiện sự bất ngờ, ngỡ ngàng trước các sự việc không thể lường trước được. Đôi khi xem phim, thấy nhân vật chính diện đang yên đang lành được biên kịch cho chết đi rồi lại sống lại một cách vi diệu khiến ta cũng phải thốt lên được từ “ủa”. Order một ly trà đào lại nhận về ly trà sữa thì cũng “ủa”… Nói chung, bất cứ sự việc hay hiện tượng gì gây sốc mà bạn không thể lường trước được thì đều có thể bày tỏ sự cảm thán bằng từ “ủa”. Lâu nay, từ này được người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng sử dụng một cách tự nhiên, thậm chí là một cách vô thức, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Song, vài tháng qua, cụm từ “ủa” lại được giới trẻ, đặc biệt là với thế hệ Z, ủa còn là từ để mở lời, gợi chuyện, thường được ghép với nhiều chữ khác để tạo thành cụm từ “ủa alo, ủa em”. “Ủa alo, ủa em” là trạng thái vừa khó hiểu, vừa giật mình bất ngờ và có đôi chút khó chịu, không được thoải mái. Nghe tưởng như câu hỏi nhưng đây thật ra lại là một câu cảm thán, câu hỏi tu từ có hàm ý không được tích cực cho lắm. Cũng giống như câu gen Z hay trêu đùa với nhau “bạn là nhất, nhất bạn rồi”, cụm từ “ủa em” phổ biến bởi tính “sát thương” cao trong nhiều tình huống. Đặc biệt ở môi trường làm việc công sở, cụm từ này dần trở thành thứ mà không ai mong muốn được nhìn thấy nhất vào sáng sớm lẫn đêm khuya.

Một số ví dụ cụ thể có sử dụng cụm từ Ủa Alo

Một vài ý nghĩa và ví dụ của từ “Ủa” được Gen Z sử dụng trong giao tiếp trên mạng xã hội, thậm chí là cuộc sống ngoài đời thực như sau:

  • Khi bạn muốn bắt đầu một ngày mới thật vui vẻ bên cô bạn thân, bạn có thể mở lời rằng “Ủa alo, nay mặc đồ đẹp quá vậy trời! Cho ai ngắm đây ta ơi!!!”
  • Khi bạn muốn bắt đầu câu chuyện theo chiều hướng không được dễ chịu cho lắm và dự tính là sắp xảy ra một trận combat nảy lửa đến ơi, có thể sẽ bắt đầu bằng câu nói “Ủa alo! Tôi nói nãy giờ mà mọi người không hiểu hả”
  • Khi thấy bạn thân bất ngờ thông báo đã tha thứ cho người yêu cũ là một kẻ đã từng phản bội, lúc này bạn có thể bộc lộ sự bất lực bằng câu nói “Ủa alo mày??? Mày bị sao vậy?”
Xem Thêm:   Bóng Đá Nữ Hàn Quốc: Sức Mạnh Và Khát Vọng Trên Sân Cỏ Quốc Tế

  • Khi vào một ngày đẹp trời, bạn nhận được điểm môn Triết học, mà cay cú một nỗi là đứa chép phao còn được cao điểm hơn người thức khuya dậy sớm để học là bạn. Lúc này bạn có thể cảm thán rằng “Ủa alo? Đùa tui hay gì trời! Sao ông trời không có chút công bằng nào hết vậy?”
  • Khi một nhóm bạn rủ nhau đi chơi ở Đà Lạt nhưng đến giờ G thì 1 đứa nhắn tin bảo không muốn đi nữa. Các thành viên còn lại có thể sẽ nói “Ủa alo? Sao vậy trời? Giỡn với tụi tui hả trời”

Ủa em? – Cụm từ gần giống nhưng mang tính sát thương hơn Ủa alo

Bên cạnh cụm từ Ủa Alo mà chúng ta đã tìm hiểu phía trên, có một cụm từ gần tương tự cũng nổi tiếng không kém. Đó chính là Ủa em. “Ủa em” có thể nói đó chính là cụm từ “cửa miệng” trong các đoạn tin nhắn mang tính chất công việc. Từ sếp gửi cho nhân viên, đồng nghiệp nói với đồng nghiệp, đối tác gửi cho chúng ta… Sắc thái nghĩa của cụm từ này không được tích cực cho lắm, bởi nó có thể là một hồi chuông báo hiệu công việc chưa thể xong dù mới được sếp khen lấy khen để.

Cụm từ này xuất hiện lần đầu trên mạng xã hội vào tháng 3/2021 trên bài đăng của fanpage thân quen với giới trẻ “Đài Tiếng Nói Gen Z” – trang Facebook tổng hợp các từ khóa dở khóc dở cười, phổ biến với tầng lớp giới trẻ.

Xem Thêm:   Chị Google Có Người Yêu Chưa? Tìm Hiểu Chị Google Gây Bão MXH

“100% các bạn Gen Z mắc chứng trào ngược dạ dày, rối loạn lo âu khi hồi hộp nên đề nghị các anh chị Gen X và cả Millennials không nhắn ‘ủa’, ’em ơi’ vào nhóm chat lúc đêm khuya”.

Bài đăng trên được post chưa được bao lâu đã nhanh chóng nhận về hơn 4000 lượt thích, tương tác, hàng trăm bình luận và chia sẻ từ cư dân mạng một cách thích thú. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với tình huống éo le này, khẳng định đó không phải bịa, là một câu chuyện có thật khi đi làm công sở.

“Mỗi lần thấy tin nhắn của sếp với 2 từ ‘ủa em’, tim mình lại hẫng một nhịp”, “Hễ đang vui vẻ là lại thấy tin nhắn bắt đầu bằng cú pháp này. Lúc ấy chỉ muốn nhắm mắt làm ngơ thôi”, “Khuya lơ khuya lắc rồi mà sao sếp còn ‘ủa em’ làm chi vậy trời” là một số bình luận phổ biến nhất, được nhiều dân mạng tương tác nhất.

Ngay sau đó, trào lưu ‘ủa em’ nhanh chóng lan rộng trên các nền tảng mạng xã hội, với hàng loạt bài viết, meme ảnh chế với các phiên bản đa dạng khác nhau được các trang Facebook chia sẻ rầm rộ. Người gửi những tin nhắn đó cũng được mở rộng phạm vi hơn trước, từ cấp trên, đối tác cho tới hội đồng nghiệp và cả bạn chung nhóm làm bài tập.

Loạt bài đăng này được đa số Gen Z hưởng ứng một cách nhiệt tình. Những tin nhắn với cú pháp quen thuộc “ủa em” hiếm khi đi thẳng vào vấn đề chính ngay, có thể ập đến vào bất cứ thời điểm nào trong ngày khiến nhiều bạn trẻ thấy áp lực, lo lắng.

“Có lần, mình nhận được tin nhắn yêu cầu sửa lại bản thiết kế vào lúc 23h từ khách hàng với dòng tin nhắn ‘Ủa, em ơi’ kéo theo một hàng dấu hỏi dài dằng dặc. Sắp đi ngủ rồi mà vẫn phải bật máy tính lên làm hùng hục, dù thật sự chỉ muốn làm ngơ”, bạn Trần Quỳnh Anh (23 tuổi, Hà Nội), chuyên viên thiết kế đồ họa, tâm sự.

Có thể thấy rằng không chỉ dừng lại như một từ khóa đang trở thành xu hướng trên mạng xã hội, trào lưu “ủa em” còn cho thấy giới trẻ của chúng ta đang phải chịu những áp lực lớn về vấn đề công việc, thiếu thời gian riêng tư để nghỉ ngơi và tự chăm sóc bản thân mình.

Xem Thêm:   Rượu Vang Có Hạn Sử Dụng Không? ⚡️ Cách Bảo Quản Rượu Tốt Nhất

“Sếp sử dụng cụm ‘ủa em’ để phê bình cũng không vấn đề gì, chỉ cần không nhắn vậy sau khi đã tan làm là được. Cảm giác vừa nghỉ ngơi thư giãn, vừa nơm nớp lo sợ đợi tin nhắn feedback như vậy không thoải mái một chút nào”, bạn Lâm Anh (25 tuổi, Hà Nội), nhân viên văn phòng, bộc bạch.

Nên sử dụng “ủa alo”, “ủa em” như thế nào?

Khi đã hiểu được sắc thái ý nghĩa của câu nói này thì mỗi chúng ta hãy học cách suy nghĩ, cân nhắc thật kĩ trước khi nói nha. Tưởng tượng cả ngày đi làm mệt mỏi ở công ty, về tới nhà tắm giặt, ăn cơm, đang định ngồi xuống xem TV một lát còn đi ngủ thì nhận được tin nhắn từ sếp “Ủa em? Bản báo cáo này có gì đó sai sai đúng không? Check kĩ lại giúp anh trong 1 tiếng tới nhé”… Hoặc khi đang bị đè nặng bởi một đống các dự án, deadline, kì thi… thì nhận được tin nhắn từ nhóm trưởng với thái độ khá gay gắt khi mở đầu bằng cụm từ “Ủa alo?”, đại loại như “Ủa alo? Bạn làm cái này kiểu gì vậy bạn? Sai tùm lum tòe loe rồi kìa? Ủa alo? Xem kĩ lại và chỉnh sửa giúp mình trước 0h đêm nay nha”.

Quả thực, khi đã cố gắng làm việc, hoàn thành nhiệm vụ nhưng lại nhận được những dòng feedback với thái độ như vậy thì bản thân sẽ có xu hướng cảm thấy khá khó chịu, mất tinh thần làm việc. Do đó, có thể sử dụng cụm từ này khi nói chuyện vui vẻ với bạn bè, người thân ở những tình huống thường ngày, nhưng khi muốn bày tỏ cảm xúc khó chịu thực sự trước việc làm của ai đó thì cũng nên cân nhắc tránh sử dụng từ này để bầu không khí bớt căng thẳng.

Thay vào đó, chúng ta có thể nói một vài câu cũng thể hiện ý kiến cá nhân nhưng giọng điệu mềm mỏng hơn. Dù sao cũng không nên để cảm xúc nhất thời của bản thân làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác, nhất là lúc người ta cũng đã cố gắng và đuối sức rồi đúng không nào?

Hi vọng thông qua bài chia sẻ ngắn phía trên của z2k.info, bạn đã hiểu được Ủa alo là gì? cũng như sắc thái biểu hiện của cụm từ này. Chúng ta nên sử dụng nó đúng lúc đúng chỗ đúng đối tượng để không làm nghiêm trọng hóa tình hình bạn nhé!